Tháng 10 này, nhiều chính sách quan trọng, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân sẽ bắt đầu có hiệu lực.
1. Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Theo Điều 15 Nghị định này, hành vi kinh doanh hàng nhập lậu sẽ phải đối mặt với mức phạt tiền dựa trên giá trị của hàng hóa nhập lậu như sau:
STT | Giá trị của hàng hóa nhập lậu | Mức phạt |
1 | Dưới 03 triệu đồng | 500.000 - 01 triệu đồng |
2 | 03 - dưới 05 triệu đồng | 01 - 02 triệu đồng |
3 | 05 - dưới 10 triệu đồng | 02 - 04 triệu đồng |
4 | 10 - dưới 20 triệu đồng | 04 - 06 triệu đồng |
5 | 20 - dưới 30 triệu đồng | 06 - 10 triệu đồng |
6 | 30 - dưới 50 triệu đồng | 10 - 20 triệu đồng |
7 | 50 - dưới 70 triệu đồng | 20 - 30 triệu đồng |
8 | 70 - dưới 100 triệu đồng | 30 - 40 triệu đồng |
9 | Trên 100 triệu đồng | 40 - 50 triệu đồng |
Đặc biệt, phạt tiền gấp 02 lần bảng nêu trên (tương đương tối đa 100 triệu đồng) đối với:
- Người vi phạm trực tiếp nhập lậu hàng hóa có giá trị dưới 100 triệu đồng hoặc từ 100 triệu đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
- Hàng nhập lậu thuộc danh mục cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu;
- Hàng nhập lậu là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc phòng bệnh và thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn…
Đáng chú ý, mức phạt nêu trên áp dụng với cá nhân. Mức phạt với tổ chức vi phạm gấp đôi mức phạt với cá nhân (tương đương 200 triệu đồng).
Vì thế, đối với hành vi kinh doanh hàng xách tay như mỹ phẩm, thuốc... không có hóa đơn, chứng từ, không làm thủ tục hải quan…(hàng nhập lậu) có giá trị trên 100 triệu đồng, thì mức phạt với tổ chức vi phạm lên đến 200 triệu đồng.
Tuy nhiên, đây là mức phạt đối với hành vi vi phạm của cá nhân. Tổ chức vi phạm thì mức phạt tiền gấp đôi mức phạt tiền đối với cá nhân, tương ứng 80 - 100 triệu đồng.
Nghị định 98/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ 15/10/2020
2. Nghị định 91/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/10/2020 Chính phủ đã quy định chi tiết về việc chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác.
Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, dịch vụ Internet, tổ chức thiết lập mạng viễn thông dùng riêng có trách nhiệm hướng dẫn, cung cấp cho Người sử dụng các công cụ, ứng dụng để phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác và cho phép Người sử dụng chủ động ngăn chặn tin nhắn rác, cuộc gọi rác.
Đồng thời, Người quảng cáo chỉ được phép gửi tin nhắn quảng cáo, thư điện tử quảng cáo, gọi điện thoại quảng cáo đến Người sử dụng khi được Người sử dụng đồng ý trước về việc nhận quảng cáo. Người quảng cáo phải chịu trách nhiệm và có biện pháp kiểm tra việc đã đồng ý trước một cách rõ ràng của người sử dụng khi gửi tin nhắn, gọi điện quảng cáo. Đây cũng là một trong những nguyên tắc khi gửi tin quảng cáo, gọi điện thoại quảng cáo được nêu tại Điều 13 Nghị định 91 này.
Về thời gian gửi tin nhắn và gọi điện thoại quảng cáo, Nghị định này quy định chỉ được gửi tin nhắn trong khoảng thời gian từ 07 giờ đến 22 giờ mỗi ngày, gọi điện quảng cáo từ 08 giờ đến 17 giờ mỗi ngày trừ trường hợp đã có thỏa thuận khác với Người sử dụng.
Chỉ được gửi tin nhắn quảng cáo, gọi điện thoại quảng cáo khi đã được cấp tên định danh và không được phép sử dụng số điện thoại để gửi tin nhắn quảng cáo hoặc gọi điện thoại quảng cáo.
Nghị định cũng quy định xử phạt từ 20 - 30 triệu đồng đối với hành vi gọi điện thoại quảng cáo ngoài khoảng thời gian từ 08 giờ đến 17 giờ mỗi ngày mà không có thỏa thuận khác với Người sử dụng.
Đặc biệt, phạt đến 100 triệu đồng nếu gửi tin nhắn quảng cáo hoặc gọi điện thoại quảng cáo đến các số điện thoại nằm trong Danh sách không quảng cáo.
03 cách chặn tin nhắn, cuộc gọi rác gồm: Chuyển thông tin về tin nhắn, cuộc gọi rác đến đầu số 5656, Từ chối nhận tin nhắn quảng cáo, Đăng ký số điện thoại vào Danh sách không quảng cáo.
3. Nghị định 96/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ 10/10
Tại Nghị định 96/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ 10/10 quy định phạt tiền từ 40 - 50 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau:
- Làm hư hại mốc giới, cọc dấu, dấu hiệu đường biên giới, vật đánh dấu đường biên giới, cột cờ, điểm cơ sở, bia chủ quyền trên các đảo;
- Làm thay đổi dòng chảy sông, suối biên giới hoặc làm ảnh hưởng đến đường biên giới quốc gia;
- Xây dựng công trình kiên cố trong phạm vi 30 mét tính từ đường biên giới trên đất liền tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc hoặc 100 mét tính từ đường biên giới trên đất liền tuyến biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia;
- Xây dựng trái phép công trình trên sông, suối biên giới.
4. Nghị định số 99/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ 11/10 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí
Cụ thể, hành vi bán xăng dầu qua các cột bơm mini, trụ bơm lắc tay, qua thùng, can chai và các dụng cụ chứa đựng khác thì bị phạt tiền từ 03 - 05 triệu đồng trừ thương nhân là hộ kinh doanh, trạm cấp phát xăng dầu thuộc lực lượng vũ trang nhân dân ở địa bàn miền núi, vùng cao… được làm đại lý bán lẻ xăng dầu phù hợp điều kiện kinh doanh xăng dầu khu vực đó.
Ngoài ra, hành vi vi phạm nêu trên còn bị tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính đồng thời người vi phạm bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được từ việc thực hiện hành vi vi phạm này.
Không chỉ vậy, Nghị định 99 cũng quy định, nếu tự ý điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu không đúng thời điểm thương nhân đầu mối hoặc thương nhân phân phối xăng dầu quy định thì bị phạt tiền từ 30 - 50 triệu đồng (hiện nay mức phạt này đang là 40 - 60 triệu đồng).
Nghị định này quy định phạt tiền từ 80 - 100 triệu đồng đối với hành vi pha chế xăng dầu khi không phải là thương nhân đầu mối. Như vậy, cây xăng không phải thương nhân đầu mối tự ý pha chế xăng dầu bị phạt đến 100 triệu đồng.
Nghị định có hiệu lực từ 11/10/2020.
5. Nghị định 100/2020/NĐ-CP về việc kinh doanh hàng miễn thuế có hiệu lực từ 15/10.
Theo khoản 1 Điều 3 Nghị định này, người mua hàng miễn thuế được nhận tại các địa điểm sau:
- Người xuất cảnh, quá cảnh sau khi hoàn thành thủ tục xuất cảnh, quá cảnh, hành khách trên các chuyến bay quốc tế xuất cảnh từ Việt Nam hoặc người chờ xuất cảnh được mua hàng miễn thuế: Quầy nhận hàng trong khu cách ly tại cửa khẩu quốc tế nơi hành khách xuất cảnh;
- Khách du lịch là người nước ngoài theo đoàn bằng đường biển, có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế mua hàng miễn thuế trong nội địa: Quầy nhận hàng trong khu cách ly tại cửa khẩu cảng biển loại 01 nơi khách du lịch xuất cảnh.
Đáng chú ý, ngoài địa điểm nhận hàng quy định trên, khách mua hàng (trừ khách mua hàng trên chuyến bay quốc tế xuất cảnh từ Việt Nam) được nhận hàng ở nước ngoài. Đây là quy định mới được bổ sung tại Nghị định 100 năm 2020.
6. Thông tư 06/2020/TT-BLĐTBXH đã bổ sung nhiều công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động gồm:
- Trực tiếp sản xuất, chế biến vật liệu xây dựng, sành, sứ, thủy tinh, nhựa;
- Cứu hộ, cứu nạn chuyên nghiệp;
- Trực tiếp làm công việc chặt, cưa, xẻ gỗ, khai thác, chế biến gỗ công nghiệp; bốc xếp thủ công thường xuyên vật nặng từ 30 kg trở lên;
- Trực tiếp nấu, chế biến thực phẩm tại các bếp ăn tập thể từ 300 suất ăn một ngày trở lên…
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 05/10/2020.
6. Thông tư 24/2020/TT-BGDĐT
Về việc sử dụng giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo, Thông tư này quy định như sau:
STT | Tiêu chí giáo viên | Kết quả |
1 | Hai năm liên tiếp liền kề trước 10/10/2020, giáo viên có: - Kết quả đánh giá, xếp loại đạt chuẩn nghề nghiệp trở lên hoặc được phân loại, đánh giá viên chức ở mức hoàn thành nhiệm vụ trở lên - Có đủ sức khỏe | Tiếp tục bố trí công tác giảng dạy cho đến khi nghỉ hưu |
2 | Hai năm liên tiếp liền kề trước 10/10/2020, giáo viên có: - Kết quả đánh giá, xếp loại không đạt chuẩn nghề nghiệp - Có một năm được phân loại, đánh giá viên chức ở mức không hoàn thành nhiệm vụ | - Không bố trí giảng dạy - Được sắp xếp tham gia bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ để bố trí sang vị trí việc làm khác phù hợp tại cơ sở giáo dục cho đến khi nghỉ hưu |
3 | - Giáo viên không đủ sức khỏe - Có nguyện vọng nghỉ hưu - Đủ các điều kiện theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội | Được nghỉ hưu |
Đáng chú ý, giáo viên chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo theo quy định nêu trên, tùy vào trường hợp cụ thể có thể thực hiện các quy định về thôi việc và tinh giản biên chế theo các quy định hiện hành.
Tại Nghị định 71/2020/NĐ-CP, Chính phủ đã quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở. Theo Nghị định này, chỉ những đối tượng sau thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo:
- Giáo viên mầm non chưa có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên, tính từ ngày 01/7/2020 còn đủ 07 năm công tác (84 tháng) đến tuổi được nghỉ hưu theo quy định;
- Giáo viên tiểu học chưa có bằng cử nhân giáo viên tiểu học tính từ ngày 01/7/2020 còn đủ 08 năm công tác (96 tháng) đối với giáo viên có trình độ trung cấp, còn đủ 07 năm công tác (84 tháng) đối với giáo viên có trình độ cao đẳng đến tuổi được nghỉ hưu theo quy định;
- Giáo viên trung học cơ sở chưa có bằng cử nhân giáo viên tính từ ngày 01/7/2020 còn đủ 07 năm công tác (84 tháng) đến tuổi được nghỉ hưu theo quy định.
Như vậy, giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ theo quy định nhưng còn ít hơn 07 năm công tác (đối với giáo viên mầm non và giáo viên tiểu học có trình độ cao đẳng; giáo viên trung học cơ sở chưa có bằng cử nhân) và 08 năm công tác (đối với giáo viên tiểu học có trình độ trung cấp) vẫn không phải đi học nâng chuẩn trình độ theo yêu cầu.
Nghị định có hiệu lực từ 18/8/2020.
7. Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT về đánh giá học sinh tiểu học có hiệu lực từ 20/10/2020.
Học sinh tiểu học sẽ được đánh giá bằng 02 hình thức là đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ.
Nhận xét học sinh chủ yếu bằng lời nói
Về việc đánh giá thường xuyên học sinh, Thông tư 27 nhấn mạnh giáo viên cần sử dụng linh hoạt, phù hợp các phương pháp đánh giá, nhưng chủ yếu thông qua lời nói để chỉ ra cho học sinh biết được chỗ đúng, chỗ chưa đúng và cách sửa chữa.
Đồng thời, chỉ viết nhận xét vào vở hoặc sản phẩm học tập của học sinh khi cần thiết.
Ra đề kiểm tra định kỳ theo 03 mức độ
Thay vì 04 mức độ như trước đây, Thông tư 27 quy định giáo viên thiết kế đề kiểm tra định kỳ theo 03 mức độ:
- Mức 1: Nhận biết, nhắc lại hoặc mô tả được nội dung đã học và áp dụng trực tiếp để giải quyết một số tình huống, vấn đề quen thuộc trong học tập;
- Mức 2: Kết nối, sắp xếp được một số nội dung đã học để giải quyết vấn đề có nội dung tương tự;
- Mức 3: Vận dụng các nội dung đã học để giải quyết một số vấn đề mới hoặc đưa ra những phản hồi hợp lý trong học tập và cuộc sống.
Được chấm điểm 0 bài kiểm tra định kỳ
Tương tự như quy định trước đây tại Thông tư 30/2014, Thông tư 27/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn yêu cầu giáo viên tiểu học sửa lỗi, nhận xét, cho điểm theo thang điểm 10, không cho điểm thập phân đối với bài kiểm tra định kỳ của học sinh.
Sau khi nhận xét và chấm điểm, bài kiểm tra được trả lại cho học sinh, điểm của bài kiểm tra không dùng để so sánh học sinh này với học sinh khác.
Tuy nhiên, Thông tư mới đã bỏ quy định không cho phép giáo viên tiểu học chấm điểm 0 bài kiểm tra định kỳ.
Đánh giá học sinh vào cuối năm học theo 04 mức
Thông tư 27 nêu rõ, cuối năm học, căn cứ vào quá trình tổng hợp kết quả đánh giá về học tập từng môn học, hoạt động giáo dục và từng phẩm chất chủ yếu của học sinh, giáo viên chủ nhiệm đánh giá học sinh theo 04 mức:
- Hoàn thành xuất sắc: Học sinh có kết quả đánh giá các môn học ở mức Tốt; phẩm chất, năng lực ở mức Tốt; bài kiểm tra đình kỳ cuối năm các môn đạt 9 điểm trở lên;
- Hoàn thành tốt: Học sinh có kết quả đánh giá các môn học ở mức Tốt; phẩm chất, năng lực Tốt; bài kiểm tra đình kỳ cuối năm các môn đạt 7 điểm trở lên;
- Hoàn thành: Học sinh có kết quả đánh giá các môn học ở mức Tốt hoặc Hoàn thành; phẩm chất, năng lực Tốt hoặc Đạt; bài kiểm tra đình kỳ cuối năm các môn đạt 5 điểm trở lên;
- Chưa hoàn thành: Học sinh không đạt các mức trên.
Việc phân loại kết quả đánh giá học sinh theo 04 mức nêu trên là quy định mới, chưa được nêu rõ ràng tại các Thông tư trước đó.
Lưu ý, các quy định nêu trên về đánh giá học sinh tiểu học tại Thông tư 27 được thực hiện theo lộ trình cụ thể như sau:
- Từ năm học 2020-2021 đối với lớp 1.
- Từ năm học 2021-2022 đối với lớp 2.
- Từ năm học 2022-2023 đối với lớp 3.
- Từ năm học 2023-2024 đối với lớp 4.
- Từ năm học 2024-2025 đối với lớp 5.
8. Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Điều lệ Trường tiểu học.
Không được phê bình học sinh trước lớp
Nếu như trước đây, học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập và rèn luyện thì tuỳ theo mức độ vi phạm, giáo viên có thể nhắc nhở, phê bình hoặc thông báo với gia đình thì nay, tuỳ theo mức độ vi phạm có thể thực hiện các biện pháp kỉ luật sau:
- Nhắc nhở, hỗ trợ giúp đỡ trực tiếp để học sinh tiến bộ hơn;
- Thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm.
Đặc biệt, giáo viên không được phê bình học sinh trước cả lớp, trước toàn trường hoặc trong cuộc họp chung với cha mẹ học sinh.
Được dùng điện thoại trong giờ học
Theo Điều 31 của Điều lệ tiểu học ban hành kèm theo Thông tư 28/2020, giáo viên tiểu học không được hút thuốc, uống rượu, bia; gây rối an ninh, trật tự; không bỏ giờ, bỏ buổi dạy, tùy tiện cắt xét nội dung giáo dục…
Tuy nhiên, không còn cấm giáo viên tiểu học sử dụng điện thoại di động khi đang giảng dạy trên lớp như quy định trước đây tại Thông tư 41/2010.
Như vậy, từ ngày 20/10/2020, giáo viên tiểu học có thể được dùng điện thoại di động trong giờ học.
Được cho phép học sinh nghỉ 03 buổi liên tục
Điều lệ trường tiểu học ban hành kèm theo Thông tư 28 cũng mở rộng quyền lợi cho giáo viên tiểu học. Theo đó, từ ngày 20/10/2020, giáo viên tiểu học có thêm các quyền sau:
- Được quyền cho phép cá nhân học sinh nghỉ học không quá 03 ngày liên tục; Được giảm giờ lên lớp hàng tuần và các quyền khác theo quy định nếu là giáo viên chủ nhiệm;
- Được tự chủ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn…
Trên đây là toàn bộ quy định mới giáo viên tiểu học cần biết trước ngày 20/10/2020.
TD