1. Nghị định 90/2019/NĐ-CP năm 2019 của Chính phủ về mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có hiệu lực từ ngày 1/1/2020.
Theo tinh thần của Nghị định này, mức lương tối thiểu vùng năm 2020 sẽ được điều chỉnh tăng, cụ thể:
Vùng I tăng từ 4,18 triệu đồng/tháng lên 4,42 triệu đồng/tháng; Vùng II tăng từ 3,71 triệu đồng/tháng lên 3,92 triệu đồng/tháng; Vùng III tăng từ 3,25 triệu đồng/tháng lên 3,43 triệu đồng/tháng; Vùng IV tăng từ 2,92 triệu đồng/tháng lên 3,07 triệu đồng/tháng.
Khi mức lương tối thiểu vùng tăng, những người lao động đang có mức lương dưới mức lương tối thiểu vùng; những người làm công việc đã qua đào tạo, học nghề có mức lương dưới 7% mức lương tối thiểu vùng sẽ được tăng lương.
Về phía doanh nghiệp, ngoài việc điều chỉnh lương cho các trường hợp người lao động nêu trên, doanh nghiệp còn phải điều chỉnh mức lương đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động theo đúng quy định.
2. Nghị định 91 năm 2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai có hiệu lực từ ngày 5/1/2020. và thay thế Nghị định 102/2014/NĐ-CP hiện hành
Nghị định này tăng hàng loạt mức phạt đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này, điển hình như: Phạt đến 500 triệu đồng với cá nhân và 1 tỷ đồng với tổ chức nếu lấn, chiếm đất chưa sử dụng, đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp (tăng 100 lần so với mức phạt trước đây); Phạt đến 500 triệu đồng với cá nhân và 1 tỷ đồng với tổ chức nếu tự ý chuyển từ đất trồng lúa sang đất ở (tăng 10 mức phạt so với trước đây); Phạt đến 20 triệu đồng với cá nhân và 40 triệu đồng với tổ chức nếu chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà không có Sổ đỏ (tăng 4 lần mức phạt so với trước đây); Phạt đến 5 triệu đồng với cá nhân và 10 triệu đồng với tổ chức nếu không sang tên Sổ đỏ khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất (tăng 2 lần mức phạt so với trước đây); Phạt đến 10 triệu đồng với cá nhân và 20 triệu đồng với tổ chức nếu bỏ hoang đất mà không thuộc trường hợp bất khả kháng (mức phạt này trước đây chưa hề được quy định).
Nghị định bổ sung quy định mới xử phạt với trường hợp tổ chức thực hiện dự án kinh doanh bất động sản không nộp hồ sơ làm thủ tục cấp Sổ đỏ cho người mua, thuê mua nhà, công trình xây dựng, người nhận chuyển quyền sử dụng đất hoặc không cung cấp, cung cấp không đầy đủ giấy tờ cho người mua.
Mức phạt tiền với trường hợp trên căn cứ vào thời gian và phạm vi căn hộ công trình xây dựng vi phạm. Cụ thể, vi phạm từ 50 ngày đến 06 tháng mức phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng với trường hợp vi phạm dưới 30 căn hộ; tối đa 50 triệu đồng với phạm vi từ 30 đến 100 căn hộ, trên 100 căn hộ với mức phạt tối đa 100 triệu đồng.
Vi phạm thời gian từ 6 đến 9 tháng mức phạt cao nhất lên tới 300 triệu đồng với trường hợp từ 100 căn hộ. Đặc biệt vi phạm từ 12 tháng trở lên với phạm vi từ 100 căn hộ sẽ bị phạt đến 1 tỷ đồng và buộc nộp hồ sơ hoặc cung cấp đầy đủ giấy tờ cho người mua.
Với cá nhân, Nghị định cũng quy định trường hợp Toà án nhân dân và cơ quan hành chính các cấp yêu cầu cung cấp thông tin, giấy tờ, tài liệu liên quan đến đất đai để thanh tra, kiểm tra, thu thập chứng cứ giải quyết tranh chấp mà quá thời hạn không cung cấp sẽ bị phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng.
Trường hợp cá nhân sử dụng giấy tờ giả trong thực hiện thủ tục hành chính và các công việc khác liên quan tới đất đai mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 30 triêu đồng.
3. Thông tư 18/2019/TT-NHNN năm 2019 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi Thông tư 43/2016/TT-NHNN năm 2016 quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính cũng sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2020. Thông tư 18 siết chặt hơn các quy định đối với công ty tài chính trong việc thúc giục đòi nợ khách hàng.
Theo đó, ngoài việc yêu cầu các công ty này không được sử dụng biện pháp đe dọa đối với khách hàng; số lần nhắc nợ tối đa 05 lần/ngày, hình thức nhắc nợ, thời gian nhắc nợ do các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho vay tiêu dùng nhưng phải trong khoảng thời gian từ 07 giờ đến 21 giờ;… thì Thông tư này còn bổ sung một số yêu cầu mới, gồm:
Không nhắc nợ, đòi nợ, gửi thông tin về việc thu hồi nợ của khách hàng đối với tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ như người thân của khách hàng, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Chỉ được nhắc nợ đối với khách hàng tối đa 5 lần/ngày; Trong hợp đồng cho vay tiêu dùng phải có thỏa thuận về hình thức nhắc nợ và thời gian nhắc nợ; Phải bảo mật thông tin khách hàng theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, Thông tư 18 cũng bổ sung quy định liên quan đến dự thảo hợp đồng cho vay tiêu dùng. Cụ thể: Trong quá trình cung cấp cho khách hàng dự thảo hợp đồng, công ty tài chính phải giải thích trung thực các nội dung cơ bản của hợp đồng, bao gồm cả quyền và nghĩa vụ của khách hàng, các biện pháp đôn đốc thu hồi nợ, biện pháp xử lý trong trường hợp khách hàng không trả nợ (trước đây, chỉ cần giải thích khi khách hàng yêu cầu).
3. Thông tư 21/2019/TT-BGDĐT năm 2019 của Bộ GD-ĐT về Quy chế quản lý, chứng chỉ trong hệ thống giáo dục quốc dân có hiệu lực từ ngày 15/1/2020.
Theo đó, Thông tư này bổ sung thêm trường hợp bị thu hồi, hủy bỏ văn bằng, chứng chỉ, là do lỗi của cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng, chứng chỉ.
Ngoài ra, còn có các trường hợp khác đã được quy định trước đây như: Người được cấp văn bằng gian lận trong tuyển sinh, học tập, thi cử, bảo vệ đồ án, khóa luận tốt nghiệp, luận văn, luận án để được cấp văn bằng, chứng chỉ; Văn bằng, chứng chỉ bị tẩy xóa, sửa chữa…
Thông tư cũng quy định các trường đại học chỉ được in phôi chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân theo mẫu do Bộ GD-ĐT quy định. Trước đây, các trường đại học được tự chủ in phôi chứng chỉ, trừ chứng chỉ giáo dục quốc phòng - an ninh.
4. Thông tư 06/2019/TT-BXD năm 2019 của Bộ Xây dựng sửa đổi các Thông tư liên quan đến quản lý, sử dụng nhà chung cư có hiệu lực từ ngày 1/1/2020.
Thông tư này quy định, quyền biểu quyết sẽ được tính theo diện tích sở hữu riêng của chủ căn hộ trong nhà chung cư theo nguyên tắc: 1m2 diện tích sở hữu riêng tương đương với 1 phiếu biểu quyết.
Trước đây, theo khoản 3 Điều 16 Thông tư 02/2016/TT-BXD, mỗi căn hộ tương ứng với 1 phiếu biểu quyết.
5. Thông tư 59/2018/TT-BGTVT năm 2018 của Bộ GT-VT quy định việc dán nhãn năng lượng đối với xe mô tô, xe gắn máy sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu có hiệu lực từ 1/1/2020.
Trong đó yêu cầu cơ sở sản xuất, nhập khẩu in nhãn năng lượng theo mẫu và thực hiện dán trên từng xe tại vị trí dễ quan sát trước khi đưa ra thị trường. Nhãn này được duy trì trên xe tới khi xe được bàn giao đến tay người tiêu dùng.
Đáng chú ý, trước khi dán nhãn năng lượng, các cơ sở sản xuất, nhập khẩu phải công khai thông tin về mức tiêu thụ nhiên liệu. Thông tin công khai phải được duy trì trong suốt thời gian cơ sở sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh xe cung cấp kiểu loại xe đó ra thị trường.
TD