Những điểm mới đối với việc giải trình trong “Xây dựng dự thảo kết luận thanh tra” theo Luật Thanh tra năm 2022
Luật Thanh tra năm 2022 được Quốc hội thông qua ngày 14/11/2022 có hiệu lực từ ngày 01/7/2023. So với Luật Thanh tra năm 2010, Luật Thanh tra năm 2022 có nhiều điểm mới, khắc phục được những vướng mắc của Luật Thanh tra năm 2010, trong đó về nội dung thực hiện việc giải trình của đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan được Luật Thanh tra năm 2022.
Tại khoản 2,3,4 Điều 75 Luật Thanh tra năm 2022 quy định về nội dung “Xây dựng dự thảo kết luận thanh tra”:
“2. Trong quá trình xây dựng dự thảo kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra có quyền yêu cầu Trưởng đoàn thanh tra, thành viên khác của Đoàn thanh tra báo cáo, yêu cầu đối tượng thanh tra hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan giải trình, làm rõ thêm những vấn đề dự kiến kết luận về nội dung thanh tra.
3. Việc giải trình phải thực hiện bằng văn bản kèm theo thông tin, tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho nội dung giải trình. Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất với người ra quyết định thanh tra xử lý nội dung giải trình của đối tượng thanh tra.
4. Dự thảo kết luận thanh tra được gửi đến thành viên khác của Đoàn thanh tra để tham gia ý kiến trước khi trình người ra quyết định thanh tra.”
Đối chiếu với quy định trước đây về việc lấy ý kiến đối với dự thảo Kết luận thanh tra được quy định tại Điều 41 Thông tư 06/2021/TT-TTCP ngày 01/10/2021 của Thanh tra Chính phủ về quy định về tổ chức, hoạt động của Đoàn thanh tra và trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra:
“2. Trong quá trình xây dựng dự thảo Kết luận thanh tra, Người ra quyết định thanh tra có quyền yêu cầu Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra báo cáo, yêu cầu đối tượng thanh tra giải trình để làm rõ thêm những vấn đề dự kiến kết luận về nội dung thanh tra.
3. Trong trường hợp yêu cầu đối tượng thanh tra giải trình thì Người ra quyết định thanh tra gửi văn bản yêu cầu kèm theo dự thảo Kết luận thanh tra hoặc một số nội dung trong dự thảo Kết luận thanh tra liên quan đến yêu cầu giải trình.”
Có thể thấy cách thức thực hiện việc lấy ý kiến giải trình đối với dự thảo Kết luận thanh tra đã được Luật Thanh tra năm 2022 bỏ việc gửi văn bản yêu cầu đối tượng thanh tra hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan giải trình kèm theo dự thảo Kết luận thanh tra.
So sánh với Quyết định số 774/QĐ-TTg ngày 05/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục tài liệu bí mật Nhà nước thuộc lĩnh vực thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, dự thảo kết luận thanh tra là tài liệu Mật. Do đó, việc lấy ý kiến giải trình dự thảo kết luận thanh tra theo Luật Thanh tra năm 2022 đã có thay đổi và cần được quan tâm khi thực hiện để tránh trường hợp Đoàn thanh tra gửi toàn văn dự thảo kết luận thanh tra đến đối tượng thanh tra hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan giải trình, nhằm tránh dôi dư những nội dung không liên quan đến đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác và phát sinh việc lộ tài liệu Mật trong quy trình cuộc thanh tra.
Luật Thanh tra năm 2022 cũng quy định cách thức giải trình của đối tượng thanh tra hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan:
“3. Việc giải trình phải thực hiện bằng văn bản kèm theo thông tin, tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho nội dung giải trình. Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất với người ra quyết định thanh tra xử lý nội dung giải trình của đối tượng thanh tra.”
Trong các quan hệ pháp luật, xét về quyền và nghĩa vụ thì các quan hệ đều được xây dựng và thực hiện trên nguyên tắc bình đẳng. Quyền giải trình của đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan là cần thiết vì nó giúp người tiến hành thanh tra đánh giá, kết luận nội dung thanh tra nhanh chóng, chính xác và việc thực hiện Kết luận thanh tra sau này được thực thi nghiêm, hiệu quả./.
Tài liệu tham khảo
Luật Thanh tra năm 2010.
Luật Thanh tra năm 2022.
Quyết định số 774/QĐ-TTg ngày 05/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục tài liệu bí mật Nhà nước thuộc lĩnh vực thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.
Thông tư 06/2021/TT-TTCP ngày 01/10/2021 của Thanh tra Chính phủ về quy định về tổ chức, hoạt động của Đoàn thanh tra và trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra.
Kênh ITC Channel - Trường Cán bộ Thanh tra.
Ngọc Lợi